Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ý nghĩa tên gọi đảo Hòn Ông và tín ngưỡng thờ cá voi của người Việt

whale worship in Vietnam

Whale Island Resort là khu nghỉ dưỡng duy nhất trên đảo Hòn Ông, thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Trong tiếng Việt, cá voi còn được gọi là cá Ông. Hòn đảo được đặt tên như vậy một phần là vì vào mùa sinh sản của sứa và ruốc, rất đông cá voi theo về đây để săn mồi. Nếu may mắn, du khách có thể tận mắt ngắm nhìn những chú cá voi tung tăng bơi lội trong làn nước trong xanh của vịnh. Ngoài ra, đối với ngư dân vùng biển, cá Ông được coi là một vị thần, thường giúp đỡ những tàu bè gặp nạn khi lênh đênh trên biển cả. Hầu hết các vùng biển trên mảnh đất hình chữ S đều có tục thờ cá Ông hay Ông Nam Hải với đức tin về sự cứu nhân độ thế, vượt qua những sóng gió trên biển và an toàn trở về đất liền. 

1. Nguồn gốc của tục thờ cá Ông

Tục thờ cá Ông xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá voi của người Chăm. Giai thoại kể rằng cá Voi là hóa thân của thần Cha-Aih-Va, còn được gọi là thần sóng biển, thường cứu người bị nạn trên biển. Sau khi người Việt tiếp quản đất của người Chăm, tín ngưỡng thờ cá voi cũng được tiếp nhận và Việt hóa theo thời gian. 

Lễ cầu ngư và tục thờ cúng cá Ông của cư dân ven biển Trung bộ Việt Nam được xem là một trong những lễ hội chính, trang trọng và thu hút mạnh mẽ cộng đồng không chỉ do quan niệm và lòng tin của ngư dân về vị thần cứu hộ, độ sinh, mà còn xuất phát từ sự chỉ đạo của chính quyền phong kiến dưới thời nhà Nguyễn. Theo truyền thuyết, trong quá trình trốn chạy sự truy bức của anh em Tây Sơn, có lần thuyền của Nguyễn Ánh bị bão tố đánh dạt. Trong cơn hoạn nạn, Nguyễn Ánh đã được cá voi cứu và đưa đến nơi an toàn. Khi lên ngôi, Nguyễn Ánh lấy hiệu là Gia Long, đồng thời đã sắc phong cá voi là Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Thượng đẳng thần. Các nhà vua triều Nguyễn nối ngôi cũng học tập từ Gia Long mà hết sức coi trọng cá voi, và sắc phong cho loài cá này danh hiệu “Đại càng quốc gia Nam Hải”.

whale corse

2. Nét đẹp văn hóa của tục thờ cá Ông tại tỉnh Khánh Hòa

Trong đời sống của nhiều người dân miền biển, sự giúp đỡ của cá Ông không chỉ dừng lại trong truyền thuyết, rất nhiều câu chuyện đã được kể lại, nhiều ngư dân đã thoát khỏi cửa tử nhờ sự xuất hiện của cá ông trong giờ phút hoạn nạn. Càng tin tưởng vào loài sinh vật biển to lớn này, người dân tổ chức lễ hội Cá Ông hàng năm càng thành kính. Khi cá còn sống, ngư dân tôn kính gọi là Ông Sanh – ân nhân cứu sống sinh mạng của ngư dân khi ra khơi. Khi cá thác gọi là Ông Lụy. Khi thấy cá Ông dạt vào từ khơi xa, họ sẽ cùng nhau đưa cá lên bãi, tiến hành nghi thức làm đám tang và khóc thương như người thân ruột thịt của mình.

whale

Địa phận tỉnh Khánh Hòa có hơn 50 cơ sở thờ tự Ông Nam Hải nằm rải rác tại các huyện, thành phố ven biển là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm và Cam Ranh. Ngoài ra, vào mùa xuân hàng năm, người dân còn tổ chức lễ hội Cầu Ngư, diễn ra trong khoảng thời gian 2 ngày 1 đêm, năm đại lễ thì kéo dài trong 4-5 ngày. Lễ hội Cầu Ngư của tỉnh Khánh Hòa gồm hai phần: phần lễ và phần hội.

Phần lễ mở đầu với nghi thức lễ Nghinh thần. Theo đó, đoàn người khỏe mạnh được lựa chọn sẽ rước kiệu Ông Nam Hải lên thuyền rồng ra khơi từ sáng sớm để nghinh đón linh hồn cá Ông giữa biển.

Whale worship festival in Khanh Hoa province

Tiếp theo là lễ Sắc phong gồm hai đoàn đám rước hướng từ Bắc và Nam về lăng Ông. Dẫn đầu mỗi đoàn là đội lân sư rồng vô cùng náo nhiệt với tâm niệm dẹp đường, trừ tà ma. Sau khi hoàn tất quá trình thỉnh, báo cáo kết quả năm trước và cầu bình an thì sẽ rước Ông ra biển lại. Hàng trăm thuyền ghe trang trí cờ hoa lộng lẫy được chuẩn bị sẵn cho nghi lễ này.

Lễ hội Cá Voi còn có một số các nghi thức khác như: lễ Tỉnh Sanh, Tế chánh, Thứ lễ và Tôn vương nhưng không phải lúc nào cũng có, và cuối cùng là Lễ Tống Na.

Phần hội diễn ra vô cùng sôi nổi, náo nhiệt với vô số các trò chơi dân gian thú vị đậm chất miền biển: đua thuyền, bơi lội, lắc thúng,… Bên cạnh đó các hoạt động văn nghệ cũng rất đặc sắc với màn hát tuồng, hát hò khoan,…

Whale worship festival

Đặc biệt nhất phải kể đến trong hội Cá Voi này chính là múa hát bả trạo. Đây là hoạt cảnh mô tả cuộc sống đời thường của ngư dân với các hoạt động chèo thuyền, kéo lưới hay cảnh đoàn thuyền đưa những linh hồn oan uổng về cõi vĩnh hằng. Tiết mục này mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần đoàn kết, giữ vững mái chèo trước sóng gió để mang về một mùa bội thu.

Như vậy, tên gọi của đảo Hòn Ông không chỉ thể hiện rằng nơi đây là một điểm đến để diện kiến loài sinh vật biển tuyệt vời này mà còn là một minh chứng cho sự tôn kính của người dân Việt Nam hướng đến vị thần bảo hộ của biển cả. Whale Island Resort cũng có cách thể hiện sự trân trọng đối với cá Ông của riêng mình, bằng cách ra sức bảo tồn môi trường biển và đa dạng sinh học. Chúng tôi mong bạn cũng sẽ chung tay cùng chúng tôi trên hành trình hướng tới sự bền vững này!

Leave a comment